Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2007 là nền tảng pháp lý cho sự phát triển, đổi mới hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam. Đồng thời hình thành hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế – xã hội khác.
Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có sự khác nhau về cơ bản như sau:
Thuật ngữ.
– Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
– Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
=> Hai định nghĩa trên đã cho chúng ta thấy rõ sự khác nhau giữa thuật ngữ Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Hệ thống và ký hiệu.
Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam bao gồm:
1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ký hiệu là QCVN;
2. Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, ký hiệu là QCĐP.
Hệ thống tiêu chuẩn và ký hiệu tiêu chuẩn của Việt Nam bao gồm:
1. Tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu là TCVN;
2. Tiêu chuẩn cơ sở, ký hiệu là TCCS.
Nguyên tắc, phương thức áp dụng
Quy chuẩn kỹ thuật
1. Quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng bắt buộc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế – xã hội khác.
2. Quy chuẩn kỹ thuật được sử dụng làm cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Tiêu chuẩn
1.Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện.
2.Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật.
Mục đích
Quy chuẩn kỹ thuật
Quy định mức giới hạn mà đối tượng phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người, bảo vệ động vật, thực vật, môi trường: bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng…
Tiêu chuẩn
Dùng để làm chuẩn để phân loại,đánh giá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối tượng.
Cơ quan ban hành
Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý;
b) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
c) Chính phủ quy định việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mang tính liên ngành và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan thuộc Chính phủ.
Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật là trách nhiệm của Chính phủ. Chúng quy định về đặc tính của sản phẩm và quy trình quản lý.
Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia.
b) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia.
c) Các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở bao gồm:
- Tổ chức kinh tế;
- Cơ quan nhà nước;
- Đơn vị sự nghiệp;
- Tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Được xây dựng bởi các bên liên quan theo nguyên tắc đồng thuận, các bên liên quan có thể là nhiều dạng tổ chức trong lĩnh vực công hoặc tư nhân. Chúng chỉ quy định các đặc tính sản phẩm hoặc yêu cầu kỹ thuật.
Loại quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật
Quy chuẩn kỹ thuật gồm những loại sau:
- Quy chuẩn kỹ thuật chung
- Quy chuẩn kỹ thuật an toàn
- Quy chuẩn kỹ thuật môi trường
- Quy chuẩn kỹ thuật quá trình
- Quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ
Tiêu chuẩn gồm những loại sau:
- Tiêu chuẩn thuật ngữ
- Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật
- Tiêu chuẩn phương pháp thử
- Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản
Căn cứ xây dựng
Quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau đây:
1. Tiêu chuẩn quốc gia;
2. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;
3. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật;
4. Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.
Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau đây:
1. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;
2. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật;
3. Kinh nghiệm thực tiễn;
4. Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.
Trên đây là bài viết nhằm giúp Quý doanh nghiệp có sự phân định rõ ràng giữa 2 khái niệm rất dễ bị nhầm lẫn đó là Tiêu chuẩn (TCVN) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Để tìm hiểu thêm, mời quý doanh nghiệp tham khảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11